Mang thai tuần thứ 10 và những điều mẹ nên biết

30/06/2021 7655 0Xem đánh giá

Có phải mẹ đang lo lắng không biết phải làm sao trong giai đoạn mang thai tuần thứ 10? Em bé và mẹ hiểu rằng đây là tâm trạng mà đa số các mẹ bầu mang thai lần đầu tiên hay gặp phải. Đừng quá lo lắng, những kiến thức mang thai tuần thứ 10 mà Em bé và mẹ mang lại cho bạn dưới đây chắc chắn sẽ giúp bạn hình dung kỹ hơn mình phải làm gì để em bé luôn mạnh khoẻ trong giai đoạn mang thai này. Hãy cùng khám phá!

Mục lục nội dung

    Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 10

    mang thai tuần thứ 10

     

    Ở giai đoạn này, em bé đã có sự tăng trưởng gấp đôi về kích thước. Cụ thể, thai nhi ở tuần thứ 10 dài khoảng gần 4 cm – đó là một trong những dấu hiệu thai 10 tuần khoẻ mạnh. Các bộ phận như tay, chân đã dần hoàn thiện với đủ các ngón tay và ngón chân. Em bé lúc này không chịu nằm yên trong cơ thể mẹ mà sẽ không ngừng chuyển động tay và chân. Tuy nhiên, do trọng lượng và kích thước em bé còn quá nhỏ nên ba mẹ sẽ không thể cảm nhận được những sự chuyển động này.

    Xương em bé trong bụng mẹ tuần thứ 10 bắt đầu cứng lại và rắn chắc hơn trong các tuần kế tiếp. Dưới nướu sẽ dần xuất hiện những chồi răng nhỏ, bên cạnh đó xương và sụn ở chân cũng đang dần phát triển thành đầu gối. Tay, khuỷu tay và mắt cá chân dần được hình thành.

    Những thay đổi của cơ thể người mẹ trong giai đoạn mang thai tuần thứ 10

    mang thai tuần thứ 10

     

    tuần thứ 10 mang thai, mẹ vẫn đang ở trong giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên. Phải đến hết tuần sau, mẹ mới bắt đầu chuyển sang giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 – khi mà em bé đang dần ổn định trong bụng mẹ cũng như các triệu chứng đau nhức, nôn mửa, nghén… khi mang thai bắt đầu thuyên giảm và chấm dứt. Dưới đây là những dấu hiệu mang thai 10 tuần mẹ bầu thường hay gặp phải:

    • Khó tiêu và ợ chua. Hệ tiêu hóa của bạn đang hoạt động chậm lại trong thời gian mang thai và điều này có thể khiến bạn bị đầy hơi hoặc khó tiêu và ợ chua. Bạn không nên ăn các loại thực phẩm cay và chứa nhiều dầu mỡ trong giai đoạn này, bởi nó sẽ làm tăng mức độ khó tiêu và ợ chua.
    • Chuột rút. Không có gì lạ nếu bị chuột rút theo chu kỳ trong giai đoạn đầu của thai kỳ khi thai nhi đã cố định vào thành tử cung. Điều này cũng có thể gây ra đốm. Mặc dù nó có thể là vô hại, nhưng hãy đi khám bác sĩ nếu bạn bị chảy máu.
    • Ngực phát triển. Ngực của bạn có thể đã to hơn và hơi đau vào tuần thứ 10 của thai kỳ, vì chúng đã chuẩn bị cho việc cho con bú trong nhiều tuần rồi!
    • Ốm nghén. Buồn nôn và nôn là hiện tượng khá phổ biến khi mang thai 10 tuần, đặc biệt là vào sáng sớm. Đừng quá lo lắng vì những triệu chứng này có thể sẽ giảm bớt ngay sau khi bạn bước vào tam cá nguyệt thứ hai.
    • Tâm trạng thất thường. Những thay đổi trong nội tiết tố của bạn có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng dễ cáu gắt, thay đổi tâm trạng thất thường .
    • Mệt mỏi. Sự phát triển nhanh chóng của em bé trong giai đoạn này cùng những cơn ốm nghén, đau nhức là nguyên nhân chính khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Đi bộ và tập yoga là liều thuốc tuyệt vời giúp bạn luôn vui vẻ và thoải mái, xua tan mệt mỏi vô cùng hiệu quả.
    • Nổi gân xanh ở ngực và bụng: đây chính là dấu hiệu cho thấy máu và các chất dinh dưỡng đang được vận chuyển tới thai nhi để nuôi dưỡng em bé lớn dần trong bụng mẹ.

    Mang thai tuần thứ 10 bụng đã to chưa?

    mang thai tuần thứ 10

     

    Ở tuần thứ 10, mẹ bầu có thể dễ dàng nhận thấy vòng 2 bắt đầu to hơn. Đó là vì em bé trong bụng đang tiếp tục phát triển nhanh chóng và do đó, bụng của mẹ đã bắt đầu nhô ra. Cơ thể mỗi người phụ nữ là khác nhau do vậy kích thước bụng bầu 10 tuần cũng sẽ khác nhau. Giai đoạn này những bộ đồ bó sát có thể khiến mẹ cảm thấy khó chịu, thay vào đó các loại quần có cạp chun và một số áo rộng rãi sẽ mang lại cảm giác thoải mái hơn khi mẹ đang mang thai được 10 tuần.

    Phụ nữ mang thai cũng nên thường xuyên kiểm tra cân nặng đều đặn hàng tháng để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường. Trong suốt thai kỳ, tăng cân quá nhiều có thể dẫn tới nguy cơ tiền sản giật, đái tháo đường… Tăng cân quá ít cũng có thể gây ra tình trạng em bé sinh ra thiếu cân, tăng tỷ lệ sinh non. Nhiều bác sĩ khuyên phụ nữ mang thai có chỉ số BMI bình thường nên tăng khoảng 1 đến 5 kg trong tam cá nguyệt đầu tiên. Vì vậy, bé vẫn đang phát triển bình thường và mẹ cũng không sao nếu phát hiện mình tăng vài cân khi mang thai được 10 tuần.

    Mẹo mang thai 10 tuần – mẹ bầu cần quan tâm đến sức khoẻ của mình nhiều hơn

    mang thai tuần thứ 10

     

    Trong giai đoạn này, cơ thể người mẹ vẫn đang có sự gia tăng hormone thai kỳ làm cơ thể khó chịu. Đây có thể được ví như là giai đoạn khó khăn nhất của thai kỳ, và một số mẹo mang thai 10 tuần Em bé và mẹ mang lại cho mẹ dưới đây hy vọng sẽ giúp các mẹ vượt qua giai đoạn tuần thứ 10 thuận lợi:

    Ăn gì để hạn chế buồn nôn

    Cảm giác buồn nôn thường diễn ra thường xuyên hơn vào buổi sáng, do vậy mẹ có thể để một vài lát bánh mì hoặc bánh quy mặn bên cạnh giường để có thể ăn nhẹ trước khi thức dậy. Bạn có thể thấy điều này giúp hạn chế tình trạng ốm nghén. Một cốc trà gừng nóng vào buổi sáng sớm cũng là cách để mẹ thư giãn và đánh bay triệu chứng buồn nôn.

    Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin thông qua các loại trái cây, rau củ

    Bạn đang mang trong mình một sinh linh bé bỏng – là kết tinh của tình yêu và sự hạnh phúc cả tuổi thanh xuân. Giai đoạn mang thai tuần thứ 10, bạn cần tăng cường bổ sung vitamin trước khi sinh thông qua các loại rau củ quả, sữa và các loại thuốc bổ. Vitamin D, C và A cũng như axit folic, DHA, sắt, canxi và kali là các loại chất dinh dưỡng cần thiết với bà bầu mang thai tuần thứ 10.

    Chia nhỏ các bữa ăn

    Ăn đúng cách bằng cách chia nhỏ bữa ăn giúp bạn nhận được đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể và thai nhi 10 tuần tuổi, đồng thời giúp cơ thể bạn cảm thấy tốt hơn để đối phó với những cơn buồn nôn. Thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh và các loại hạt là những loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, rất tốt cho mẹ và bé trong suốt thai kỳ.

    Trên đây là những kiến thức quan trọng trong giai đoạn mang thai tuần thứ 10 mà Em bé và mẹ muốn giới thiệu đến các mẹ bầu. Hy vọng những kiến thức này sẽ giúp mẹ bầu an tâm hơn để chăm sóc tốt cho bản thân và thai nhi trong những tuần mang thai tiếp theo.

     

    Hãy cùng chia sẻ ý kiến của bạn

    Danh sách bình luận