Mang thai tuần thứ 7 và các lưu ý mẹ cần biết
03/08/2022
Mục lục nội dung
Thai nhi 7 tuần tuổi phát triển như thế nào?
Hình ảnh mang thai tuần thứ 7
Thai 7 tuần nặng bao nhiêu? Đến tuần thứ 7, phôi thai đã phát triển dài khoảng 1,3 cm và có kích thước bằng 1 quả mâm xôi. Trái tim em bé đã hoàn thiện đầy đủ và có nhịp đập, mẹ và bố có thể nghe thấy nhịp tim thai thông qua máy siêu âm.
Khi mang thai được 7 tuần, phần lớn sự phát triển tập trung ở đầu vì các tế bào não mới được tạo ra với tốc độ 100 mỗi phút. Các tế bào thần kinh tiếp tục nhân lên và phát triển khi não và tủy sống (hệ thần kinh) bắt đầu hình thành. Phôi thai có trán lớn, mắt và tai tiếp tục phát triển.
Các triệu chứng mang thai 7 tuần
Buồn nôn là triệu chứng phổ biến nhất báo hiệu mang thai
Khi em bé trong bụng mẹ tiếp tục phát triển ở tuần thứ 7, các dấu hiệu mang sẽ hiện rõ trên cơ thể mẹ. Đây cũng là thời điểm lý tưởng nhất để bạn báo tin vui đến những người thân yêu trong gia đình. Dưới đây là các triệu chứng mang thai 7 tuần mẹ có thể gặp phải:
- Buồn nôn
- Đi tiểu thường xuyên
- Mệt mỏi
- Chán ăn hoặc và thèm ăn
- Chuột rút nhẹ vùng xương chậu
- Ợ nóng hoặc khó tiêu
Thay đổi nội tiết tố và tăng lượng máu bên trong cơ thể là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. Mặc dù những triệu chứng này có thể khiến mẹ bầu tuần thứ 7 vô cùng mệt mỏi và khó chịu, đừng quá lo lắng vì chỉ còn vài tuần nữa là đến tam cá nguyệt thứ hai, các triệu chứng này có thể giảm dần.
Những điều bạn có thể làm trong tuần này để có một thai kỳ khỏe mạnh
Quá trình mang thai của bạn vẫn còn khá mới mẻ, nhưng không còn quá sớm để bắt đầu lập kế hoạch và duy trì những thói quen lành mạnh. Dưới đây là một số lời khuyên bạn có thể bắt đầu trong tuần thứ 7 mang thai để em bé luôn khỏe mạnh:
Lên lịch khám bác sĩ
Việc khám thai lần đầu thường diễn ra khi bà bầu có thai khoảng 5 – 8 tuần. Nếu những tuần trước bạn chưa kịp khám, thì bạn hoàn toàn có thể khám thai ở tuần thứ 7 này. Lần khám đầu tiên này sẽ là lần khám tổng quát, mất nhiều thời gian và công đoạn nhất.
Trong quá trình thăm khám này bác sĩ sẽ xem xét tiền sử sức khỏe của bạn, dựa trên ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối xác định ngày dự sinh gần đúng, siêu âm để kiểm tra vị trí phôi thai nhằm kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường của thai nhi.
Phụ nữ mang thai tuần thứ 7 cũng sẽ được kiểm tra cân nặng và huyết áp, và có thể sẽ chỉ định xét nghiệm nước tiểu và máu. Tại buổi thăm khám này, bác sĩ cũng sẽ dặn dò và tư vấn các loại thực phẩm, sữa, thuốc bổ cần bổ sung trong giai đoạn mang thai cũng như các loại thuốc cần tránh để em bé luôn khỏe mạnh trong suốt thai kỳ.
Bắt đầu tập thể dục trước khi sinh
Nếu bạn cảm thấy thích thú với việc tập luyện, hãy bắt đầu một chương trình tập thể dục trước khi sinh. Mẹ bầu tuần thứ 7 có thể dành ra khoảng 30 phút tập thể dục mỗi mỗi ngày để hỗ trợ một thai kỳ khỏe mạnh. Yoga, đi bộ và bơi lội là những lựa chọn tuyệt vời cho chị em trong suốt thai kỳ.
Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ đảm bảo được việc cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ nhất cho cả 2 mẹ con. Đặc biệt là trong giai đoạn tuần thứ 7 mang thai, những triệu chứng ốm nghén cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của người mẹ.
Mang thai 7 tuần nên ăn gì? Thay vì ăn ngày 3 bữa, mẹ có thể chia nhỏ các bữa ăn để đảm bảo việc hấp thu đầy đủ các chất dinh dưỡng. Dưới đây là những loại thực phẩm tốt cho mẹ bầu 7 tuần:
- Thực phẩm chứa axit folic: có trong các loại đậu, ngũ cốc, rau có màu xanh đậm
- Thực phẩm giàu canxi: sữa, hải sản, các loại rau màu xanh đậm
- Thực phẩm giàu sắt: thuốc sắt, bột yến mạch, thịt bò, gan, rau cải…
- Thực phẩm giàu protein: cá, trứng, thịt bò, thịt gà
- Thực phẩm chứa vitamin cần thiết đó là C, A, D có trong các loại rau củ, trái cây tươi
- Tránh xa các loại thực phẩm không tốt, gây hại cho thai nhi: thực phẩm chưa nấu chín, đồ ăn nướng, hun khói, dưa muối, dứa, rượu bia, trà, cà phê…
Khi nào cần gọi cho bác sĩ?
Sảy thai và mang thai ngoài tử cung là những biến chứng có thể xảy ra trong ba tháng đầu thai kỳ. Điều quan trọng là phải nhận ra các triệu chứng và sau đó liên hệ ngay với bác sĩ của bạn để được xử lý kịp thời:
Mang thai ngoài tử cung
Mang thai ngoài tử cung là hiện tượng thai nhi làm tổ bên ngoài tử cung, thường là trong các ống dẫn trứng, ổ bụng…. Đây là một hiện tượng nguy hiểm đe dọa trực tiếp tính mạng của người mẹ mang thai. Mang thai ngoài tử cung cũng sẽ có những dấu hiệu của mang thai thông thường như chậm kinh, đau bụng, tức ngực…
Thai nhi nằm ngoài tử cung không thể sống sót. Nếu không được điều trị và phát hiện kịp thời, khu vực xung quanh phôi thai nhi sẽ bị vỡ và chảy máu ồ ạt vào bụng gây nguy hiểm với tính mạng mẹ bầu mang thai tuần thứ 7. Tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức nếu bạn đang mang thai và gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Chảy máu âm đạo bất thường
- Ngất xỉu hoặc đột ngột chóng mặt
- Huyết áp thấp
- Áp lực trực tràng
- Đau vai
- Đau vùng chậu nghiêm trọng
Sảy thai
Sảy thai tuần thứ 7 là hiện tượng mất thai khi em bé vẫn còn ở trong bụng mẹ. Hầu hết các trường hợp sẩy thai xảy ra trong 12 tuần đầu tiên, hoặc ba tháng đầu của thai kỳ. Sảy thai có nhiều nguyên nhân và đa phần không phải do lỗi người mẹ, những triệu chứng của sảy thai cũng khá phổ biến như xuất huyết âm đạo, chuột rút… nên cũng rất khó xác định chính xác. Gọi cho bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào sau đây:
- Chảy máu âm đạo, thường xuất hiện sau khi cơn đau bắt đầu
- Tiết dịch âm đạo màu hồng
- Đau bụng dai dẳng và dữ dội
- Chóng mặt, choáng váng hoặc thường xuyên ngất xỉu
Hầu hết những phụ nữ mang thai tuần thứ 7 bị sảy thai đều có thể tiếp tục mang thai, vậy nên hãy dành thời gian hồi phục sức khoẻ và chữa lành những vết thương về tinh thần ngay sau khi sảy thai. Thực hiện ăn uống đủ chất và giữ tinh thần phấn chấn thông qua các hoạt động đi bộ, đọc sách, tập luyện thể dục thể thao. Như vậy thì người mẹ mới có đủ sức khoẻ cho lần mang thai tiếp theo.
Trên đây là toàn bộ những kiến thức mang thai tuần thứ 7 bạn có thể tham khảo. Hy vọng thông qua bài viết này mẹ bầu đã có thể tự tin biết mình cần phải làm gì để có một thai kỳ khỏe mạnh. Chúc mẹ thành công!
- Xem lại: Mang Thai Tuần Thứ 6 Và Những Điều Mẹ Cần Biết
- Có thể mẹ quan tâm: Mang Thai Tuần Thứ 8 – Mẹ Bầu Cần Chú Ý Những Gì?